Địa tô tuyệt đối Địa tô tư bản chủ nghĩa

Địa tô tuyệt đối là loại địa tô mà các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp tuyệt đối phải nộp cho địa chủ, dù ruộng đất đó tốt hay xấu, ở xa hay gần. Địa tô tuyệt đối là số lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, hình thành nên bởi chênh lệch giữa giá trị nông sản với giá cả sản xuất chung của nông phẩm.

Cơ sở của địa tô tuyệt đối là do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp. Còn nguyên nhân tồn tại địa tô tuyệt đối là do chế độ độc quyền sở hữu ruộng đất đã ngăn cản nông nghiệp tham gia cạnh tranh giữa các ngành để hình thành lợi nhuận bình quân.

Đơn cử là có hai tư bản trong nông nghiệp và trong công nghiệp đều là 100, cấu tạo hữu cơ tư bản trong nông nghiệp là 3/2, cấu tạo hữu cơ tư bản trong công nghiệp là 4/1. Giả sử m' = 100%, thì giá trị sản phẩm và giá trị thặng dư sản xuất ra trong từng lĩnh vực sẽ là:

  • Trong công nghiệp: 80c + 20v + 20m = 120
  • Trong nông nghiệp: 60c + 40v + 40m = 140

Giá trị thặng dư dôi ra trong nông nghiệp so với công nghiệp là: 20. Số chênh lệch này là lợi nhuận siêu ngạch, lợi nhuận siêu ngạch này không bị bình quân hoá mà chuyển hóa thành địa tô tuyệt đối.